PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM NĂM 2024

Phương án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng ngành Giáo dục mầm non chính quy năm 2024

Năm 2024, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh đại học các ngành và cao đẳng sư phạm Giáo dục Mầm non với khoảng 5.100 chỉ tiêu cho cơ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phân hiệu tại Gia Lai và Phân hiệu tại Ninh Thuận như sau:

  1. Đối tượng tuyển sinh

            Thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) có đủ điều kiện xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đề án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng Ngành Giáo dục Mầm non chính quy năm 2024 của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

  1. Phạm vi tuyển sinh

            Các cơ sở đào tạo của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc.

  1. Phương thức tuyển sinh

            Năm 2024 Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển đào tạo Đại học, Cao đẳng Ngành Giáo dục Mầm non chính quy theo năm (05) phương thức sau:

3.1 Phương thức 1: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển

            Được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy chế Tuyển sinh Đại học – Cao đẳng Ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

3.2 Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ)

– Dự kiến xét tuyển khoảng 25 – 30% tổng chỉ tiêu.

– Tại cơ sở chính: chỉ xét tuyển đối với các thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024, dựa trên điểm trung bình môn của năm (05) học kỳ bậc THPT (từ học kỳ I năm lớp 10 đến học kỳ I năm lớp 12). Điểm của mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 6,00 điểm trở lên. Điểm mỗi môn xét tuyển là trung bình cộng của điểm tổng kết 05 học kỳ của môn đó (làm tròn đến 2 số lẻ thập phân).

– Tại Phân hiệu Gia Lai và Phân hiệu Ninh Thuận:

           + Đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập của năm (05) học kỳ bậc THPT (từ học kỳ I năm lớp 10 đến học kỳ I năm lớp 12). Điều kiện xét tuyển: Tổng điểm của ba (03) môn lập thành tổ hợp môn xét tuyển phải đạt từ 18,00 điểm trở lên. Điểm mỗi môn xét tuyển là trung bình cộng của điểm tổng kết 05 học kỳ của môn đó (làm tròn đến 2 số lẻ thập phân).

           + Đối với thí sinh tốt nghiệp THPT từ 2023 trở về trước: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập của sáu (06) học kỳ bậc THPT (từ học kỳ I năm lớp 10 đến học kỳ II năm lớp 12). Điều kiện xét tuyển: Tổng điểm của ba (03) môn lập thành tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18,00 điểm trở lên. Điểm mỗi môn xét tuyển là trung bình cộng của điểm tổng kết 06 học kỳ của môn đó (làm tròn đến 2 số lẻ thập phân).

+ Đối với ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng (tuyển sinh tại Phân hiệu Ninh Thuận): Xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 của 2 môn Toán, Ngữ văn và điểm thi môn Năng khiếu.

Trường tổ chức thi môn năng khiếu đối với thí sinh đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

– Đối với ngành Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Giáo dục mầm non (đại học và cao đẳng), Giáo dục tiểu học, ngoài các điều kiện nêu trên, thí sinh phải đáp ứng điều kiện xét tuyển (ngưỡng đầu vào) theo Quy chế tuyển sinh đại học hiện hành:

            + Học lực lớp 12 xếp loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên đối với hồ sơ xét tuyển trình độ đại học;

            + Học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên đối với ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng.

3.3 Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2024.

– Dự kiến xét tuyển khoảng 10 – 15% tổng chỉ tiêu.

– Không sử dụng phương thức này để xét tuyển vào Ngành Giáo dục mầm non (trình độ cao đẳng, đại học) tại Phân hiệu Ninh Thuận.

– Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) được công bố sau khi có kết quả thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

* Với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập bậc THPT và sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực (đợt xét tuyển sớm), thí sinh có thể đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng và chỉ được công nhận đủ điều kiện trúng tuyển nguyện vọng có ưu tiên cao nhất.

3.4 Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024

– Dự kiến xét tuyển khoảng 50 – 55% tổng chỉ tiêu.

– Xét tuyển dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có trong tổ hợp xét tuyển. Riêng đối với ngành Giáo dục mầm non (trình độ cao đẳng, đại học) xét tuyển dựa vào kết điểm thi tốt nghiệp của 2 môn Toán, Ngữ văn và điểm thi môn Năng khiếu.

– Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) được công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

3.5 Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kết hợp với chứng chỉ tiếng anh quốc tế IELTS và TOEFL (phương thức kết hợp)

– Dự kiến chỉ tiêu xét tuyển: khoảng 5 – 10% tổng chỉ tiêu.

– Sử dụng điểm bài thi IELTS và TOEFL ITP được quy đổi và thay thế cho môn tiếng Anh trong tổ hợp môn xét tuyển.

– Điều kiện: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL ITP) trong thời hạn 2 năm tính đến 01/6/2024, đạt điểm bài thi IELTS từ 5.0 trở lên hoặc đạt điểm bài thi TOEFL ITP từ 470 trở lên, đồng thời phải có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của 2 môn còn lại trong tổ hợp môn xét tuyển.

– Mức quy đổi điểm bài thi IELTS và TOEFL ITP sang điểm xét tuyển như sau:

STT

Điểm bài thi IELTS

Điểm bài thi
TOEFL ITP

Điểm quy đổi môn Tiếng Anh

1

5.0 – 5.5

470 – 510

8.0

2

6.0 – 6.5

513 – 550

9.0

3

7.0 – 9.0

553 – 677

10.0

 – Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) được công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

  1. Danh sách các ngành và tổ hợp xét tuyển

Tổ hợp xét tuyển:

A00: Toán, Vật lý, Hóa học                        A01: Toán, Vật lý, tiếng Anh

A02: Toán, Vật lý, Sinh học                       A04: Toán, Vật lý, Địa lý

B00: Toán, Hóa học, Sinh học                   D01: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh

D07: Toán, Hóa học, tiếng Anh                 D08: Toán, Sinh học, tiếng Anh

D14: Ngữ văn, Lịch sữ, tiếng Anh             D15: Ngữ văn, Địa lý, tiếng Anh

M00: Ngữ văn, Toán, Năng khiếu             C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý

D90: Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên. 

  1. Cách tính điểm xét tuyển

– Đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên được thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

– Đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập bậc THPT, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và phương thức kết hợp:

     Điểm xét tuyển = (Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + Điểm môn 3) + điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng), làm tròn đến 2 số lẻ thập phân.

+ Đối với ngành Ngôn ngữ Anh, môn chính là tiếng Anh được nhân hệ số 2, điểm xét tuyển quy về thang điểm 30 để xét tuyển:

Điểm xét tuyển = (Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + Tiếng Anh * 2)*3/4 + điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng), làm tròn đến 2 số lẻ thập phân.

+ Đối với ngành Giáo dục mầm non (trình độ cao đẳng, trình độ đại học) môn chính là môn năng khiếu được nhân hệ số 2, điểm xét tuyển quy về thang điểm 30 để xét tuyển:

Điểm xét tuyển = (Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + Năng khiếu * 2)*3/4 + điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng), làm tròn đến 2 số lẻ thập phân.

Điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng) thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

– Đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TP. HCM năm 2024:

Mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng liền kề là 40 điểm, mức chênh lệch giữa hai khu vực liền kề là 10 điểm (theo thang điểm 1200). Đối với thí sinh có tổng điểm thi từ 900 trở lên (theo thang điểm 1200) được xác định theo công thức:

Điểm ưu tiên = [(1200 – tổng điểm đạt được)/300]´ mức điểm ưu tiên quy định làm tròn đến không số lẻ thập phân.

 

Trích Nguồn: https://ts.hcmuaf.edu.vn/ts-42193-1/vn/span-stylecolor-redphuong-an-tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-nganh-giao-duc-mam-non-chinh-quy-nam-2024.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *